Gửi anh Vượng,
Đầu tiên em xin được khẳng định rằng em vô cùng ngưỡng mộ anh từ những gì em biết (qua video, "quân" của anh nói...) Anh rất cởi mở, có tâm, có tầm, nên với sức mạnh của công nghệ và mạng xã hội, chắc anh sẽ đọc được những dòng này?
|
Hanoi Cinematheque. Nguồn: internet |
Cái ngày em nghe tin Hanoi Cinematheque sắp bị dẹp cho quy hoạch dự án của Vingroup, em cảm thấy như "người con Hà Tĩnh xa quê nghe tin bão về" ấy anh ạ. Em bàng hoàng, sửng sốt, bồn chồn, rồi rất buồn và bất lực!
Em biết anh rất rất bận. Nếu anh có thể dành một chút thời gian, anh hãy một lần đến Hanoi Cinematheque để cảm nhận nó, và thấy hơi thở văn hoá đương đại Hà Nội cũng như tình yêu của bao người với không gian này. Đầu tiên anh sẽ thấy biển "Khách sạn văn nghệ sỹ, số 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội", anh phải đi bộ vào trong cái ngõ khá hẹp sâu hun hút, tới khi gần như không nghe thấy tiếng còi xe nữa, anh sẽ thấy bên tay phải có khoảng sân rộng lát gạch ở trước cửa rạp, cũng là một quán bar.
Anh có thể gọi ly một ly Latte, ăn một chút bánh (Quesadilla chẳng hạn), ngửi mùi hương hoàng lan, miên man nhớ "Dưới bóng hoàng lan" của Thạch Lam, trong không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối, rồi đàm đạo với Gerry hay anh Hùng về điện ảnh trước khi vào rạp xem một bộ phim.
Để em kể anh nghe thêm về Gerry - ông chủ rạp và ước mơ của ông. Gerry (Gernand Herman) là một người Mỹ đam mê môn nghệ thuật thứ 7. Bản thân ông cũng là một cây viết lịch sử điện ảnh (movie historian), biên tập và đạo diễn. Với niềm đam mê mang chiếu bóng tới cộng đồng xa rộng và cảm tình đặc biệt với Việt Nam, ông mở rạp Hanoi Cinematheque năm 2004 với rất nhiều khó khăn. Chính vì mục đích "phi lợi nhuận" ấy, Gerry cũng có một điều khoản là Hanoi Cinematheque sẽ không được phép quảng cáo và không được "bán vé". Mô hình mà Gerry làm là phí thành viên, lúc bắt đầu là 50.000 VNĐ/ năm và tự nguyện đóng góp (donation).
Gerry mở quán bar để có thêm trang trải chi phí. Mọi người không biết việc còn có một mục đích khác cao đẹp hơn thế. Trong thời gian ở Việt Nam, ông có nhận con nuôi là mấy trẻ lang thang, hoàn cảnh khó khăn, cho chúng một mái nhà, và việc phục vụ ở quán bar phần nào giúp chúng có thêm thu nhập trong khi lại thực hành được tiếng Anh. Năm 2006 khi em làm thêm ở đó, Gerry có 4-5 đứa con nuôi cũng tầm tuổi em làm ở rạp và quán. Một trong bốn đứa được ông khuyến khích xin học bổng du học ở Singapore.
Trong suốt những năm đó, Gerry vẫn rất vất vả và "bị chèn ép" trong mối quan hệ với "đối tác' Việt Nam, bởi thể chế chưa ủng hộ đầu tư nước ngoài, chưa nói đến việc Gerry làm "phi lợi nhuận". Vài năm sau phải mở thêm bán cơm trưa "bình dân" để có thêm tiền. Dù vậy, Gerry vẫn luôn vui vẻ và giúp đỡ mọi người.
Tháng 12/2006, một nhóm đi đầu trong việc sử dụng nghệ thuật cộng đồng tên là GreenZoom cũng triển lãm về dự án Thổ Hà ở đây và được các bạn quốc tế đón nhận rất nồng nhiệt.
Một không gian điện ảnh (TPD) được mở ra ở trên tầng 2 (một phòng trong Khách sạn văn nghệ sỹ) với sứ mệnh đào tạo cho các bạn làm phim và biên tập.
Liên hoan phim châu Âu, liên hoan phim ASEAN, công chiếu phim của Paul Zetter, v.v. và còn bao nhiêu hoạt động khác.
Hanoi Cinematheque đã và đang là điểm đến yêu thích của các bạn nước ngoài ở Việt Nam, như hội những người bạn di sản Việt (Vietnam Heritage Friend), các đại sứ quán, nhiều tổ chức phi chính phủ, trường UNIS, các bạn đam mê điện ảnh, người yêu không gian văn hoá Hà Nội, và... các bạn muốn tìm "Tây" để thực hành tiếng Anh! Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức trình chiếu các liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam, các sự kiện giao lưu, các giải thưởng, v.v. hay đơn giản là phương án ăn trưa nhanh gọn của dân văn phòng.
Em đọc tin về Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vingroup (VCCA) sẽ mở tháng 1/2017 ở Royal City và thấy mừng vì cuối cùng anh cũng đã để mắt tới mảng này! Văn hoá nghệ thuật Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng mà chưa được khai thác hiệu quả, chưa có được thị trường và động lực từ khu vực tư nhân như Indonesia hay Trung Quốc.
Hanoi Cinematheque và cả khu tổ hợp 22A HBT là một viên ngọc quý giữa lòng Hà Nội, chứa chất bao mến thương và cả ước mơ của nhiều người, của văn hoá nghệ thuật Việt. Không gian văn hoá ấy cũng thuộc loại hiếm có trên thế giới (nếu anh đọc bình luận của các bạn Tây). Có nhất thiết phải phá bỏ nó đi không anh? Mình có thể giữ Hanoi Cinematheque trong khi vẫn có Megastar, CGV hay Platinum không? Tại sao phát triển lại cứ phải là những toà nhà cao tầng, chung cư "kiến trúc châu Âu" và phá đi những góc nhỏ thân thương đầy chất "Hà Nội" như thế? Chí ít anh có thể cho em một lời giải thích hợp tình hợp lý không?
#HanoiCinematheque; #Vingroup; #ngungimlang
* Bài đăng đã được đông đảo bà con đón nhận và chia sẻ trên Linkedin, Facebook:
https://www.linkedin.com/pulse/th%C6%B0-g%E1%BB%ADi-anh-v%C6%B0%E1%BB%A3ng-vingroup-v%E1%BB%81-hanoi-cinematheque-hue-tran/
https://www.facebook.com/notes/hue-tran/th%C6%B0-g%E1%BB%ADi-anh-v%C6%B0%E1%BB%A3ng-vingroup-v%E1%BB%81-hanoi-cinematheque/10153916402242031/